Ngành Thiết Kế Công Nghiệp tại Việt Nam 2021 – Thực trạng, Cơ hội và thách thức?
Ngành Thiết Kế Công Nghiệp là ngành đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu nhưng đây vẫn là một ngành “ chưa bao giờ hết HOT” và còn được coi là một ngành còn khá mới. Vậy, Thực trạng ngành Thiết kế Công Nghiệp tại Việt Nam ra sao? Câu trả lời sẽ có trong bài chia sẻ chuyên sâu của NTK Huy Biển – Giám đốc thiết kế Công ty cổ phần Vdesign R&D trên các góc nhìn: Thực trạng đào tạo, Thực trạng nhân sự, Thực trạng doanh nghiệp.
Thực trạng đào tạo
Thiết Kế Công Nghiệp là ngành còn khá mới ở Việt Nam. Nhiệm vụ của ngành là tạo ra những sản phẩm có khả năng sản xuất ở quy mô công nghiệp với chất lượng đồng đều và có thể chuyển giao được công nghệ.
Sản phẩm được tạo ra phải đáp ứng được 3 yếu tố: Nhu cầu của khách hàng – Tính khả thi – Phù hợp về kinh tế.
Trên thế giới ngành Thiết Kế Công Nghiệp được mở tại những trường có nền tảng về kỹ thuật, khoa học, công nghệ còn ngành Thiết Kế Sản Phẩm thường được mở tại những trường có nền tảng về nghệ thuật.
Ở Việt Nam ngành Thiết Kế Công Nghiệp được xếp nằm trong nhóm ngành Mỹ Thuật Ứng Dụng và thường được đặt tại các trường có nền tảng về Nghệ Thuật.
Chính vì vậy sinh viên được đào tạo tập trung vào việc tạo hình, tạo phom dáng cho sản phẩm mà thiếu hoàn toàn các học phần về kỹ thuật và phương pháp gia công sản xuất.
Đa phần tập trung vào yếu tố thẩm mỹ hơn là yếu tố kỹ thuật. Trong khi đó đặc trưng của ngành là phải cân đối giữa cả hai yếu tố là Mỹ thuật và Kỹ thuật. Đảm bảo cho sản phẩm ngoài việc đẹp ra thì còn phải dễ dàng, khả thi cho việc gia công và phù hợp về kinh tế.
Tại Việt Nam ngành Thiết Kế Công Nghiệp đang có ở các trường như: ĐH Mỹ thuật Công Nghiệp, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Văn Lang, ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Hồng Bàng, ĐH Công Nghệ Sài Gòn…
Trong đó ĐH Mỹ thuật Công Nghiệp được mệnh danh là ngôi trường đầu tiên và là cái nôi của nền Mỹ Thuật Công Nghiệp ở Việt Nam và cũng là ngôi trường đầu tiên đào tạo chuyên ngành này.
Tuy nhiên trong những năm gần đây nhờ sự đầu tư hiệu quả cùng hướng đi rõ ràng đã giúp cho những ngôi trường còn lại có dần vị thế và khẳng định được chỗ đứng trong lĩnh vực đào tạo Mỹ Thuật Ứng Dụng nói chung và lĩnh vực đào tạo Thiết Kế Công Nghiệp nói riêng.
Tiện đây tôi xin đính chính một vấn đề là ở Việt Nam thời điểm hiện tại không có ngành Tạo Dáng Công Nghiệp. Ví dụ ở trường ĐH Mỹ thuật Công Nghiệp thì ngành Thiết Kế Công Nghiệp được nằm trong Khoa Tạo Dáng. Gần đây nhiều bạn nhầm lẫn nên cứ băn khoăn và thắc mắc là các trường đại học đang gọi sai tên ngành. Tên ngành của chúng ta vẫn là Thiết Kế Công Nghiệp nhé các bạn.
Thực trạng nhân sự
Sau gần 10 năm tiếp xúc và làm việc với nhiều nhân sự trong lĩnh vực Thiết Kế Công Nghiệp ở cả nước tôi nhận ra rằng đến 99% sinh viên khi mới tốt nghiệp ra trường ở Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp (trong đó có cả tôi).
Nguyên nhân đến từ 3 lý do:
Lý do 1: Chất lượng, nội dung đào tạo không gắn liền với thực tế.
Lý do 2: Sinh viên bị động trong việc nghiên cứu và khả năng tự nghiên cứu không cao.
Lý do 3: Trong những giai đoạn trước ngành Thiết Kế Công Nghiệp không được phát triển ở Việt Nam, các hoạt động chuyên ngành như hội thảo, triển lãm hầu như không có, nguồn tài liệu chuyên ngành rất hạn hẹp.
Điều này dẫn đến thực trạng: khi ra trường đa phần sinh viên thiếu hiểu biết về kỹ thuật và công nghệ gia công sản xuất, thiếu tính phối hợp trong làm việc nhóm, khả năng chịu áp lực không cao, thiếu kiến thức về tư duy thiết kế và quy trình từ thiết kế đến sản xuất sản phẩm… đa phần chỉ đáp ứng được những công việc mang tính chất phức tạp không cao. Hầu như doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu.
Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam không có những nhà Thiết Kế Công Nghiệp thực thụ. Sau quá trình rời ghế nhà trường có 1-2% nhân sự có đủ dũng khí và đam mê để theo đuổi đến cùng lĩnh vực này bởi độ khó và áp lực từ nó.
Khi đã xác định theo đuổi lĩnh vực này thì họ đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, trải nghiệm qua nhiều năm, qua nhiều công ty, từ những công việc nhỏ nhất đến những vị trí quản lý. Chúng ta có thể tự hào về họ vì trong các hoạt động cộng đồng ở những thời điểm hiện tại họ đã quay lại để hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều cho những thế hệ nhà thiết kế trẻ của Việt Nam.
Thực trạng doanh nghiệp
Ở những giai đoạn đầu đa phần doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp thương mại, nhập hàng từ nước ngoài về bán hoặc hoạt động ở các mảng khác đến khi có đủ kinh phí mới đầu tư cho mảng R&D sản phẩm. Chính vì vậy giai đoạn đầu các nhà thiết kế trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn.
Trong thời điểm hiện tại đa phần doanh nghiệp Việt đã nhận thấy được tầm quan trọng của Thiết Kế Công Nghiệp chính vì vậy vị thế của các nhà thiết kế được nâng lên.
Các doanh nghiệp hàng đầu như: Vinfast, Hyundai, Thaco, Phenikaa, Tecomen, Pega, Viettel, Sunhouse, Elmich, Thiên Long,… đã có những bước đi rõ ràng và chuyên nghiệp trong việc sử dụng và phát triển nhân sự lĩnh vực này. Điều đó tạo động lực cho các thế hệ sau liên tục phấn đấu và tin tưởng hơn vào việc theo đuổi ngành Thiết Kế Công Nghiệp.
Ở một góc nhìn khác: Việt Nam mới chỉ có khoảng 3 doanh nghiệp hoạt động chuyên về lĩnh vực Thiết Kế Công Nghiệp. Tuy quy mô còn nhỏ lẻ và vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động nhưng các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực hàng ngày để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Từ những nhận định trên chúng ta có quyền tin tưởng vào một tương lại tươi sáng của ngành Thiết kế Công Nghiệp tại Việt Nam. Chúng ta cũng đã có những niềm tin, niềm tự hào nhất định về những sản phẩm do người Việt tự thiết kế và sản xuất đã vươn tầm quốc tế.
Hy vọng bài chia sẻ về Thực trạng ngành Thiết Kế Công Nghiệp tại Việt Nam sẽ giúp ích được cho các bạn đang muốn tìm hiểu về ngành.
Tại Vdesign R&D luôn có đội ngũ hỗ trợ cộng đồng miễn phí trong quá trình học tập và làm nghề. Vui lòng liên hệ hotline: 0981.045.190 hoặc Đặt câu hỏi tại: https://zalo.me/g/anthvr520