Thiết kế công nghiệp (TKCN) là một ngành vô cùng quan trọng trong việc góp phần xây dựng và thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp của mỗi quốc gia

Trong những năm gần đây theo xu hướng phát triển của ngành TKCN trên thế giới, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các sản phẩm trên thị trường cùng với sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động rất lớn đến ngành TKCN của Việt Nam. Từ đó nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đã nhận ra được tầm quan trọng của ngành TKCN trong việc phát triển sản phẩm của doanh nghiệp mình. Qua đó nhiều nhà thiết kế trẻ cũng đã có thêm niềm tin để tiếp tục theo đuổi và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này.

Tuy Ngành Thiết kế công nghiệp đã được hình thành tại Việt Nam từ những năm 1976 với tên ban đầu là ngành Tạo Dáng Công Nghiệp nhưng cho đến nay vẫn chưa có bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá sản phẩm sau quá trình thiết kế. Tất cả việc lựa chọn sản phẩm và đánh giá sản phẩm đều dựa trên quan điểm cá nhân, chưa có những tiêu chí rõ ràng và khoa học. Điều đó khiển cả Designer và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá và lựa chọn sản phẩm.

Nhận thấy vấn đề đó, sau nhiều năm nghiên cứu, đào tạo và thực hiện hàng trăm dự án thiết kế sản phẩm công nghiệp trong và ngoài nước; ngày 28/02/2022 nhà thiết kế Nguyễn Huy Biển (Bien Nguyen ) hiện đang là Founder - Creative Director của Vdesign R&D đã chính thức công bố Bộ 9 tiêu chí để đánh giá sản phẩm sau quá trình Thiết Kế hay còn gọi là “Bộ 9 tiêu chí đánh giá Sản Phẩm Thiết Kế Công Nghiệp

Sau đây Vdesign R&D Xin được chia sẻ toàn bộ 9 tiêu chí đó:

9 Tiêu chí đánh giá Thiết Kế Công Nghiệp - NTK Huy Biển - Vdesign RD

Tiêu chí 1: Tính mới, tính sáng tạo.

Sản phẩm TKCN được coi là có tính mới, tính sáng tạo nếu sản phẩm đó khác biệt đáng kể từ 60-70% so với những sản phẩm đã được công bố trước đó. Khi sản phẩm được tạo ra mà giống với một sản phẩm trên thị trường đang lưu hành thì không được coi là có tính mới.

Tiêu chí 2: Sự tiện dụng

Sự tiện dụng. Nói đến sự tiện dụng là nói đến tính năng của sản phẩm. Sản phẩm được tạo ra phải đảm bảo được tính năng như mong muốn và phục vụ tối đa nhu cầu của người dùng.

Tiêu chí 3: Tính thẩm Mỹ

Thẩm mỹ được thể hiện qua 2 khía cạnh đó là vật lý và phi vật lý. Khía cạnh vật lý được thể hiện qua: tỷ lệ, tuyến hình, hình khối, đường nét, màu sắc, chất liệu, cấu trúc…các yếu tố nhìn thấy được của sản phẩm, tất cả được thể hiện một cách hài hòa qua các thủ pháp tạo hình.

Khía cạnh phi vật lý là những câu chuyện phía sau ý tưởng tạo hình của sản phẩm, là những thứ mà mắt thường không nhìn thấy dược. Việc kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa khía cạnh phi vật lý và vật lý sẽ giúp nhà thiết kế truyền tải được thông điệp và cảm xúc đến với người sử dụng sản phẩm. Trong tiêu chí này nhà thiết kế phải thể hiện được cả hai khía cạnh này một cách hài hòa và đồng bộ.

Tiêu chí 4: Khả năng bảo trì

Khả năng bảo trì. Trong quá trình sử dụng sản phẩm phải đảm bảo khả năng bảo trì và sửa chữa một cách dễ dàng.

Tiêu chí 5: Khả năng giảm chi phí

TKCN nhằm góp phần tối ưu chi phí cho việc sản xuất, vận chuyển. Chi phí có thể được tối ưu qua việc tính toán kỹ lưỡng kiểu dáng sản phẩm qua đó giúp tiết kiệm nguyên vật liệu, tối ưu thao tác lắp ráp sản phẩm, tối ưu kích thước giúp việc tiết kiệm chi phí đóng gói, vận chuyển…

Tiêu chí 6: Khả năng giao tiếp, tương tác

Tiêu chí này thể hiện qua việc tác động qua lại giữa sản phẩm và con người. TKCN cần tính toán rất kỹ thói quen của người dùng và đưa ra các giải pháp giúp cho việc tương tác giữa người và máy, giữa máy với con người được hiệu quả và dễ dàng.

Tiêu chí 7. An toàn

An toàn là một yếu tố vô cùng quan trọng. TKCN phải đảm bảo tính toán kỹ nhằm giúp người dùng tránh khỏi những nguy hiểm khi sử dụng sản phẩm.

Tiêu chí 8: Đáp ứng khả năng sản xuất công nghiệp, số lượng lớn và có thể chuyển giao được công nghệ.

Đây là đặc điểm để phân biệt giữa sản phẩm công nghiệp và sản phẩm thủ công, đơn chiếc. TKCN cần phải đảm bảo đưa được sản phẩm lên dây truyền sản xuất công nghiệp và có thể chuyển giao công nghệ để có thể sản xuất ở bất cứ đâu, bất cứ nhà máy nào có cùng công nghệ, máy móc đều có thể tạo ra sản phẩm với một chất lượng tương đồng.

Tiêu chí 9: Đáp ứng theo đúng định hướng phát triển sản phẩm của doanh nghiệp.

TKCN phải đảm bảo theo đúng định hướng của doanh nghiệp về chức năng, chủng loại, thị trường, phân khúc, đối tượng sử dụng và đặc biệt là về mặt hình ảnh được quyết định bởi ngôn ngữ thiết kế mà doanh nghiệp đang theo đuổi. Nếu không chú ý đến tiêu chí này thì sản phẩm sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường cả về chức năng, giá thành và hình ảnh.

Trên đây là “Bộ 9 tiêu chí để đánh giá Sản Phẩm Thiết Kế Công Nghiệp” tiêu chuẩn cho mọi dự án do Nhà thiết kế Nguyễn Huy Biển xây dựng.

Ngoài ra, với mỗi dự án sản phẩm cụ thể sẽ có thêm các tiêu chí đặc thù khác. Để nhận được tư vấn trực tiếp từ Nhà thiết kế Nguyễn Huy Biển trên sản phẩm của doanh nghiệp, Bạn vui lòng liên hệ và đặt lịch theo thông tin dưới đây.

Tư vấn cho tôi

Hy vọng với bộ tiêu chí này sẽ giúp các nhà thiết kế cũng như các doanh nghiệp có một công cụ để đánh giá sản phẩm một cách hiệu quả và khoa học.

Để biết rõ hơn về Nhà thiết kế Nguyễn Huy Biển truy cập: https://huybiendesign.com